http://thanhphuxd.com/
 

Đặng Văn Thành, “mất đứa con Sacombank” và sự trở lại với Thành Thành Công

Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công, đã thổ lộ như thế trong cuộc trò chuyện với hơn 500 doanh nhân trẻ tại sự kiện “Chiến lược đến thực thi và trải nghiệm thương trường” do BizLIVE và Group Quản trị và khởi nghiệp tổ chức, dưới sự điều phối của nhà báo Quốc Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Biên tập BizLIVE chiều ngày 1/10/2016 tại TP.HCM.

“Giờ tôi là chủ tịchTập đoàn Thành Thành Công”

Cách đây 2 năm, sau một thời gian im lặng, ông tái xuất thương trường. Khi tôi đặt câu hỏi về Sacombank, ông khất lại không trả lời. Vậy bây giờ ông có thể trả lời về chuyện Sacombank bị thâu tóm được không?

Tôi là người sáng lập - Chủ tịch Sacombank, với số vốn ban đầu là 3 tỷ đồng. Khi tôi rời đi và chuyển giao, Sacombank đã có 417 chi nhánh ở Việt Nam, Lào, Campuchia và 9 công ty con, vốn điều lệ trên 10 ngàn tỷ, lợi nhuận hàng năm 4 ngàn tỷ. Nhiệm kỳ của tôi đến 2015 mới kết thúc…

Nhậm chức chủ tịch ngân hàng năm 37 tuổi, niềm khát vọng trong tôi rất lớn, bỏ cả công việc nhà đi làm. Làm ngân hàng rất khó. Đây là ngành hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế, là mạch máu của sản xuất, làm cho tiền tệ lưu thông. Nhưng rất tiếc tôi phải rời bỏ giữa chừng, tôi cảm thấy mình có lỗi với cổ đông, những người sáng lập và khách hàng. Lúc ấy tôi phải kiềm lắm để không rơi lệ. Trong cuộc đời, những gì làm không được tôi vẫn còn nung nấu nó, khi nào có điều kiện sẽ làm tiếp thôi.

Hôm nay tôi là chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công ( TTC ), một tập đoàn kinh doanh đa ngành gồm mía đường, du lịch, năng lượng, bất động sản, giáo dục…Riêng về mía đường, TTC đang sở hữu 8 nhà máy đường, chiếm 30% sản lượng đường của cả nước. Tôi đang tập trung cho TTC, một tập đoàn có vốn điều lệ trên 11 ngàn tỷ đồng với trên 20 công ty con.

Nghe nói thông tin gần đây ông sẽ trở lại làm ngân hàng?

Cách đây 2 ngày, tôi có trả lời báo chí rằng tái cấu trúc ngành ngân hàng đang rất được Chính phủ quan tâm, đúng thời điểm. Không phải chỉ riêng tôi, mà những người hiểu và muốn tham gia làm ngân hàng nên tham gia vào công cuộc tái cấu trúc này. Thị trường tài chính không đơn thuần là thị trường tiền tệ, mà cả thị trường vốn, đó mới là thị trường chính. Doanh nghiệp có vay 10 năm, 20 năm cũng phải thu hồi vốn. Thị trường vốn thì rộng đường và dài lâu hơn nhiều. Tôi sẵn sàng tham gia bất cứ lúc nào.

Gần đây, Tòa đã xét xử đại án tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), vụ án tại OceanBank sắp đưa ra xét xử, Đông Á Bank cũng đang bị kiểm soát đặc biệt giờ vẫn chưa xong, nếu ông trở lại ngành ngân hàng, làm sao giải quyết các vấn đề diễn ra ở ngành ngân hàng như nợ xấu, sở hữu chéo, nhất là vấn đề đạo đức trong ngành ngân hàng?

Tôi đã nhìn thấy bức tranh tổng thể rồi. Ngân hàng là thị trường tiền tệ, hôm nay mở ra thì có người được vay tiền, nhưng điều hành không phải dễ, suy cho cùng ngân hàng là con nợ của nhân dân, không ý thức được điều đó sẽ rất rủi ro. Quản trị phải chuyên nghiệp, đứng trên thượng tôn luật pháp. Tôi chỉ trả lời về mặt quản trị thôi, còn về vấn đề sở hữu chéo, vấn đề đạo đức thì ngành, Chính phủ mới xử lý được.

“Làm ăn mà không vay tiền mới là lạ”

Gần đây nhiều thông tin về Hoàng Anh Gia Lai nợ các ngân hàng lớn, gặp khó khăn hết mía đường đến cao su… Có ý kiến cho rằng làm ăn thua lỗ thì phải ráng chịu. Tôi muốn hỏi ông với quy mô tập đoàn đa ngành, làm sao tính toán đầu tư từng ngành có hiệu quả thực sự để đồng tiền không bị tắc, phải bán tài sản trả nợ cho ngân hàng như Hoàng Anh Gia Lai?

Đã là doanh nghiệp phải tính toán đầu ra, đầu vào. Tôi có nói với vợ tôi đời doanh nhân đến giờ không phải làm để kiếm tiền nữa, phải sắp xếp thế nào để cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Quản lý 5 lĩnh vực kinh doan khác nhau của TTC, phải chọn ra mô hình, chia ra quản lý để chuyên nghiệp hóa bộ máy bằng những ủy ban, kiểm soát bằng chỉ tiêu kế hoạch.

Năm nay  TTC lãi 1.400 tỷ, năm sau 2.000 tỷ, nếu lãi chưa đạt phải tìm ra lĩnh vực nào và tìm cách xử lý ngay, để dòng tiền vẫn kiểm soát được. Làm ăn mà không vay tiền mới là lạ. Chờ tích lũy vốn để phát triển thì lâu lắm, phải cân đối tài chính mới giữ được con thuyền của doanh nghiệp.

Là người dày dạn trên thương trường, ông nắm bắt cơ hội bằng trực giác hay suy nghĩ có hệ thống, để ra quyết định?

Là doanh nhân phải có tố chất đặc biệt, trực giác mạnh lắm. Trước một đầm lầy mình phải nhìn thấy tương lai nó sẽ trở thành cái gì. Có thể nói trong hoạt động M&A, TTC là tập đoàn mua rất nhiều doanh nghiêp, người lãnh đạo phải nắm bắt thông tin chi tiết đối với doanh nghiêp mình muốn mua kết hợp với trực giác về triển vọng của nó. Nhưng lưu ý còn thiên thời nữa, phải kiên nhẫn và nắm bắt cơ hội.

Trao đổi với doanh nhân trẻ khởi nghiệp, họ nói thời ông thuận lợi hơn, giờ kinh doanh tạo ra khác biệt rất khó, theo ông muốn khởi nghiệp thành công trong thị trường “copy” nhanh chóng kiểu làm ăn của nhau thì phải làm sao?

Về mặt thị trường, công nghệ, ngoại ngữ… các bạn thuận lợi hơn thời tôi rất nhiều, tuy nhiên thời tôi cơ hội nhiều hơn, vì cách đây 30 năm thị trường còn trống, hoang dã, nhưng cạnh tranh luôn tồn tại bất cứ thời điểm nào. Trái đất ngày càng nhỏ lại! Một điều mà tôi nhắc đi nhắc lại với các bạn là cung cách kinh doanh phải chuyên nghiệp, phải giáo dục cho nhân viên của mình, từ anh bảo vệ trở đi ý thức về thương hiệu thì doanh nghiệp mới phát triển trong bối cảnh cạnh tranh.

Khi tôi quay lại ngành mía đường, năng suất bình quân không hơn 60 tấn/ha. Tôi phải sang Mỹ, tìm đến nơi chuyên về sản xuất mía đường để đưa ra quy trình canh tác chuẩn, từ ba tấc tôi cho cày sâu 6 tấc, rồi tìm hiểu độ chịu hạn cục bộ, độ bén rễ của cây mía…, để sản xuất bằng giá thành cây mía với Thái Lan! Tận dụng mọi phụ phẩm của cây mía làm điện, làm phân… làm sao hiệu quả cao nhất. Tôi phải đi một vòng trái đất để tìm cách giúp cho nông dân làm giàu bằng cây mía. Năm 2018 năng suất mía đường TTC sẽ bằng Thái Lan.

Đứng lên từ thất bại

Làm sao ông “truyền lửa” được cho nhân viên?

Thứ nhất là truyền thông định hướng chiến lược, chính sách chế độ. Hướng nhân viên đạo đức nghề nghiệp, làm hết trách nhiệm công dân trong tổ chức. Gieo cho các em một lý tưởng sống thông qua ý nghĩa của ngành. Thí dụ chúng tôi đang ráo riết xây dựng cảng ở Phú Quốc, vì đây đang là đại công trình mà không có cái cảng nào để phục vụ. Tôi nói các em ôm chiếu ra cảng làm ngày làm đêm được không? Muốn thế, phải làm công tác tư tưởng, cho các em thấy mình là đại sứ kinh tế thực sự ở Phú Quốc, một công việc đầy ý nghĩa, thì các em sẽ làm việc bằng cả trái tim.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm. 

 

Trong giai đoạn khó khăn gần như “thân bại danh liệt”, làm thế nào để ông có thể vượt qua để tiếp tục đi tới thành công, máu lửa như hôm nay?

Phải coi đó là bình thường, tuy nhiên không hề đơn giản. Nếu chúng ta tích lũy được giá trị, hiền tài, sẽ giữ được bình tĩnh, còn thời cuộc thăng trầm lắm, có bao giờ bằng phẳng đâu. Tôi có khuyên một doanh nhân có tuổi nên kiểm tra sức khoẻ uống thuốc điều trị huyết áp đi để giữ sức khỏe trước tiên, sau đó họp dày lên để lắng nghe nhiều hơn. Khi khó khăn thực sự nếu có gì bán được thì hãy bán đi, hãy mời hết các chủ nợ đến để nhờ họ hỗ trợ…

Biến cố lớn nhất ập đến với tôi là thời điểm 2012 phải rời Sacombank, lúc ấy bi đát lắm, cú sốc khiến tôi mất phương hướng, chỉ còn chỗ dựa lớn nhất là gia đình, bạn bè chí thân. Nếu không khó có thể vượt qua được. Từ trước giờ tôi không bao giờ lên máu, giờ phải uống thuốc điều trị lên máu thường xuyên. Trong các cái lời đời doanh nhân có cái lời … uống thuốc!

Theo ông, khởi nghiệp qua M&A có hiệu quả không?

M&A là con đường đi tắt rất hiệu quả, nếu có điều kiện khởi nghiệp bằng M&A các bạn trẻ nên tiếp nhận ngay, đừng ngại. Tới giờ này tôi là người M&A nhiều nhất. Tái cấu trúc là cụm từ thường xuyên. Từ hữu hạn lên cổ phần, lên đại chúng đều phải tái cấu trúc hết. Mua nhà máy đường Ninh Hòa 68 tỷ, khi tiếp nhận lương nhân viên không quá 1,3 triệu, không có tháng lương thứ 13. Một năm tôi tuyển cả ngàn người. Đầu tiên tôi gặp phòng nhân sự, nói rất kỹ nơi các em sẽ về làm việc, giải tỏa hết suy nghĩ công chức trong đầu của họ.

Công ty cổ phần này không làm khác hơn những gì mà doanh nghiêp Nhà nước làm, nộp ngân sách, tạo ra công ăn việc làm. Một năm chúng tôi nộp ngân sách không dưới 80 tỷ, lương bình quân công nhân trên 8 triệu đồng/ tháng. Đừng vì lý do cục bộ mà níu lại, không cho cổ phần hóa, vì xã hội không mất gì hết

Nhìn lại, ông được gì, mất gì từ Sacombank?

Mất đứa con tôi ao ước. Nhưng khi tôi không còn trong ngôi nhà đó nữa, qua thời gian nhìn lại, mới thấy tôi đã tạo được những chuẩn mực,cán bộ công nhân viên rất tự hào. Uy tín tôi từ đó được giới tài chính và giới doanh nhân đánh giá cao, thấy việc làm của mình trước đây tạo nên giá trị có thật. Bây giờ đi đến đâu tôi cũng nhận được những cảm tình của mọi người. Đó là an ủi lớn nhất đối với tôi…


Tin liên quan



Hotline: 0968 888 878